Lương chuyên gia 150 triệu: Sử dụng sao cho khéo |
Muốn thu hút được chuyên gia giỏi, bên cạnh mức lương hậu hĩnh, TP cần xây dựng được những chương trình mục tiêu với sản phẩm, công nghệ cụ thể, rõ ràng. Với mong muốn thu hút được đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học giỏi từ khắp nơi trên thế giới đến làm việc, tháng 11/2014, UBND TP.HCM đã thực hiện thí điểm chương trình thu hút nhân tài trong lĩnh vực KHCN. Theo đó, 4 đơn vị gồm: Viện Khoa học Công nghệ tính toán, Trung tâm Công nghệ Sinh học, Khu Công nghệ cao và Khu Nông nghiệp Công nghệ cao sẽ là những đơn vị thí điểm chương trình này. Các chuyên gia được xét tham dự chương trình, sẽ được nhận nhiều chế độ ưu đãi về đi lại, phụ cấp. Mức lương dựa theo thỏa thuận giữa chuyên gia với thủ trưởng các đơn vị và không vượt 150 triệu một tháng. Để được tuyển dụng vào chương trình, các chuyên gia phải có học vị tiến sĩ, chuyên ngành đào tạo phù hợp với hoạt động của từng đơn vị trong diện thí điểm. Có sáng chế được nhà nước công nhận, có chương trình nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn trong lĩnh vực công nghệ cao. Có bài, công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới. Với người có trình độ thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư, ngoài những tiêu chí trên, phải đòi hỏi có kinh nghiệm quản lý, đào tạo, tư vấn trong các vấn đề liên quan đến hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ, thành thạo trong vận hành dây chuyền, thiết bị. Các chuyên gia khoa học và công nghệ muốn vào chương trình thí điểm phải có kinh nghiệm làm việc ít nhất 5 năm ở vị trí nghiên cứu khoa học tại các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ... Thông tin được ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra tại buổi làm việc với Sở KH&CN TP.HCM ngày 17/2 cho biết, sau hơn 2 năm triển khai, đến nay, TP đã thu hút được 15 chuyên gia. Trong đó, có 5 giáo sư, 1 phó giáo sư, 5 tiến sĩ, 2 thạc sĩ và 2 kỹ sư. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho rằng, với một TP đầu tàu về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước như TP.HCM, con số đó quả thật còn rất khiêm tốn. Để thu hút chuyên gia giỏi về làm việc, bên cạnh mức lương cao còn cần xây dựng những chương trình mục tiêu cụ thể. Theo ông Dũng, muốn thu hút được chuyên gia giỏi về làm việc, các đơn vị cần có sự chủ động, không phải cứ thuê một ông chuyên gia về, trả cho họ 150 triệu/ tháng mà không biết họ phải làm cái gì. Chính sách về trả lương đã được tháo gỡ thông qua cơ chế 150 triệu. Nhưng để tận dụng tối đa chương trình đó, theo ông Dũng, các đơn vị phải xác định, xây dựng được những chương trình nghiên cứu mục tiêu hết sức rõ ràng. “Hiện nay, chúng ta vẫn chỉ dừng lại ở việc mỗi năm có cái đề tài nào đó rồi thu hút chuyên gia. Anh không thể nào chỉ làm đề tài trong vòng 1 đến 2 năm mà hy vọng các nhà khoa học về đây làm việc. Bởi một khi họ về nước, là kéo theo sự thay đổi cả về môi trường làm việc lẫn sinh sống hàng ngày. Nếu không phải là chương trình dài hạn, rất khó để kéo họ về”, ông Dũng đánh giá. Do đó, cần thiết phải có những chương trình dài hạn, kéo dài trong ít nhất 5 năm với mục tiêu đưa ra được sản phẩm gì, công nghệ gì. “Anh không thể nói chung chung kiểu tôi nghiên cứu công nghệ nano nên tôi phải thuê chuyên gia về công nghệ nano”. Theo ông Dũng, các chương trình mục tiêu đó có thể không phải cao xa gì, mà nhiều khi chính là những chương trình đáp ứng nhu cầu hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng điểm, hay giải quyết vấn đề ngập lụt, biến đổi khí hậu của TP, khu vực… Với vai trò là đơn vị tư vấn, tham mưu về KHCN cho TP, một khi đã đưa ra được sản phẩm mục tiêu, các đơn vị có thể thông qua Sở KH&CN để xác định lại và đưa ra mức chi tiêu tài chính. Với những chương trình như vậy, ông Dũng cho biết có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. “Tiền trả cho chuyên gia phải xuất phát từ chính kinh phí trong chương trình mà họ được duyệt để triển khai, chứ không phải đơn thuần chỉ là trả lương hàng tháng. Chỉ có như vậy, nhà khoa học mới yên tâm cống hiến, mà các đơn vị thuê họ cũng nhẹ bớt được gánh nặng lương bổng”. Ông Dũng đánh giá, để phát triển KHCN, cơ chế trả lương lên đến 150 triệu nhằm thu hút chuyên gia chỉ là một cơ chế nhỏ. Cái quan trọng hơn là xây dựng các chương trình sản phẩm mục tiêu. Ngoài sự hỗ trợ từ phía nhà nước, cũng cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, viện trường. Trong đó, nhà nước sẽ hỗ trợ một phần, các doanh nghiệp cũng đối ứng một phần để huy động nguồn lực xã hội. Đưa ra một ví dụ, ông Dũng cho biết, hiện nay, Công ty bóng đèn Điện Quang đã hợp tác với ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Bách khoa TP.HCM để nghiên cứu và cho ra đời một loại bóng đèn mới. Trong đó, công ty này sẽ bỏ ra 50% kinh phí, số còn lại sẽ nhờ nhà nước hỗ trợ. Từ sự hợp tác này, rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã về làm việc, sản phẩm nghiên cứu ra cũng có chỗ áp dụng, không rơi vào tình trạng xếp ngăn kéo như nhiều dự án trước đây. Theo Khampha.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|