top-banner-2

Thứ năm, 19/01/2017, 11:28 GMT+7

Dùng điện thoại soi nguồn gốc thực phẩm: Người mua an tâm

Việc triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc rau, thịt là một trong những biện pháp làm tăng tính minh bạch và trách nhiệm của nhà sản xuất.

Từ ngày 18-1, người dân TP HCM đi các siêu thị thuộc hệ thống Saigon Co.op, Big C, Lotte và Aeon mua rau củ quả của 2 HTX Phước An (huyện Bình Chánh) và Phú Lộc (huyện Củ Chi) dùng điện thoại thông minh soi tem dán trên bao bì có thể biết nhiều thông tin chi tiết về sản phẩm. Đây là chương trình truy xuất nguồn gốc thứ hai sau sản phẩm thịt heo được TP HCM chủ động triển khai để tăng khả năng kiểm tra, giám sát thực phẩm tươi sống cũng như giúp người tiêu dùng an tâm khi mua sắm.

soi-nguon-goc-thuc-pham-bang-dien-thoai-nguoinoitieng

Tăng độ tin cậy cho sản phẩm

Sáng sớm 18-1, ngay sau buổi lễ phát động, tại quầy rau củ quả tươi sống bên trong siêu thị Co.opmart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận), rất nhiều người tiêu dùng đã hào hứng thử soi mã vạch bằng điện thoại thông minh để xem thông tin nguồn gốc sản phẩm, như: hộ trồng, địa chỉ, thời gian bón phân, phun thuốc, ngày thu hoạch, nơi sơ chế, xe giao hàng,… kèm một số hình ảnh minh họa.


Lãnh đạo TP HCM thử nghiệm truy xuất nguồn gốc rau củ quả bằng ứng dụng điện thoại thông minh vào sáng 18-1 Ảnh: Ngọc Ánh

Lãnh đạo TP HCM thử nghiệm truy xuất nguồn gốc rau củ quả bằng ứng dụng điện thoại thông minh vào sáng 18-1 Ảnh: Ngọc Ánh

Ông Đào Thanh Đức, Phó Giám đốc HTX Phước An, cho biết nông dân rất phấn khởi vì tên của họ lần đầu được xuất hiện kèm sản phẩm bán lẻ đến tay người tiêu dùng. “Bản thân họ, khi ra siêu thị cũng nhận diện được sản phẩm của mình, còn trước giờ chỉ có nhãn của HTX. Nhờ minh bạch thông tin mà gắn chặt trách nhiệm của từng khâu tạo ra sản phẩm. Nếu sản phẩm có vấn đề, cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng tìm ra nguyên nhân ở đâu” - ông Đức khẳng định.

Tuy nhiên, trong ngày đầu triển khai, do tập trung vào dán mã truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại mà nhiều mặt hàng không có nhãn thông tin cơ bản như tên sản phẩm, ngày đóng gói, hạn sử dụng,…

Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, chương trình truy xuất nguồn gốc rau điện tử là một trong những biện pháp giúp quản lý tốt hơn chứ không thay thế các biện pháp quản lý hiện tại. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất để phát hiện và xử lý sai phạm nếu có.

Đại diện nhà cung cấp giải pháp tem, CLB Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA), cho biết sẽ áp dụng các công nghệ mới nhất để chống gian lận cũng như kiểm soát thông tin được cung cấp từ nhà sản xuất để có thông tin trung thực cho người tiêu dùng.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, sắp tới, bản đồ số hóa vùng trồng rau an toàn sẽ được tích hợp vào chương trình truy xuất nguồn gốc cùng với việc tăng cường lấy mẫu để tăng thêm độ tin cậy cho sản phẩm. Việc truy xuất nhanh nguồn gốc rau củ quả tuy chưa thể bảo đảm sản phẩm an toàn 100% (cũng như không có hệ thống quản lý chất lượng nào đạt được tỉ lệ này) nhưng sẽ hạn chế tối đa nguy cơ thực phẩm mất an toàn. Quan trọng là gắn chặt trách nhiệm nhà sản xuất với người tiêu dùng thay cho hình thức mua đứt bán đoạn khiến cho thực phẩm khó truy nguyên nguồn gốc khi gặp vấn đề.

Tuy nhiên, một số hệ thống siêu thị phản ánh không nhận được thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM về việc triển khai truy xuất nguồn gốc mặt hàng rau củ quả cũng như các doanh nghiệp có sản phẩm ứng dụng truy xuất nguồn gốc. “Chúng tôi không hay biết gì, đến khi đọc báo thấy TP HCM có chương trình này, có nhà cung cấp cho hệ thống tham gia chương trình. Vì thế, chúng tôi phải tự liên hệ với sở xin kết nối tham gia chương trình” - đại diện một hệ thống siêu thị cho hay.

Lơ mơ, lạ lẫm

Trong khi đó, hơn 1 tháng kể từ ngày TP HCM bắt đầu triển khai chương trình nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo tại những hệ thống bán lẻ hiện đại - gồm các siêu thị, cửa hàng Co.op Food, cửa hàng Vissan… - hầu hết người tiêu dùng vẫn còn lạ lẫm với chuyện soi thông tin thịt heo bằng điện thoại thông minh. Thậm chí, một số nhân viên không biết phần mềm này tên gì, cách tải thế nào… Người bán vẫn bán, người mua vẫn mua, không ai quan tâm đến chuyện có thể soi nguồn gốc, đường đi của miếng thịt heo mình vừa mua.

Đứng chờ chặt thịt, chị Nguyễn Kim Yến, ngụ quận 5, cho biết có nghe thông tin về việc soi tem truy xuất nguồn gốc thịt heo nhưng không biết cách tải phần mềm về điện thoại, nhân viên bán hàng cũng không hướng dẫn gì nên chưa làm thử. Cô Nguyễn Thị Ánh, nhà ở quận 8, thường xuyên mua thực phẩm tươi sống tại Co.opmart Tuy Lý Vương (quận 8) nhưng hoàn toàn không biết gì về chương trình và cũng không muốn thử vì “thịt bán trong siêu thị đã được kiểm tra, an toàn rồi, không cần kiểm tra lại”.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện các hệ thống bán lẻ trên địa bàn TP HCM cho biết hiện phần mềm ứng dụng tại chỗ để truy xuất nguồn gốc thịt heo đã vận hành trơn tru nhưng số lượng khách hàng quan tâm đến chương trình còn hạn chế. Những ngày đầu mới triển khai, khách hàng còn tò mò hỏi han và thao tác thử nhưng đến nay, rất ít người quan tâm đến việc miếng thịt mình mua có dán tem truy xuất nguồn gốc hay không.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cho biết những ngày đầu triển khai chương trình, người tiêu dùng khá quan tâm, sau đó thì giảm hẳn mà chỉ chú trọng đến thương hiệu sản phẩm. Mặc dù vậy, chương trình mang ý nghĩa quan trọng, đặt ra yêu cầu cho nhà sản xuất, nhà cung cấp phải công khai thông tin cho khách hàng và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo các đơn vị kinh doanh, việc TP HCM triển khai các chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo, rau củ quả và một số mặt hàng khác sắp tới là rất cần thiết. Tuy nhiên, do triển khai không cùng lúc, mỗi mặt hàng có một phần mềm ứng dụng để soi khác nhau sẽ gây bất tiện cho đơn vị kinh doanh và khách hàng. Nếu TP HCM “gom” được tất cả ứng dụng này vào một phần mềm để người dân tải về và kiểm tra thì sẽ thuận tiện hơn nhiều.

Soi nguồn gốc thịt heo tại chợ

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết từ ngày 20-1, việc dán tem truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ được triển khai ở các quầy Vissan tại 8 chợ trên địa bàn TP.

Sang tuần sau, thịt heo được đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc sẽ có mặt tại 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn.

Theo nld.com.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Dùng điện thoại soi nguồn gốc thực phẩm: Người mua an tâm

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn