top-banner-2

Thứ ba, 20/06/2017, 16:58 GMT+7

Quốc hội bổ sung tội kinh doanh đa cấp trái phép vào Bộ luật Hình sự

Với tỷ lệ 88,39% số các đại biểu có mặt tán thành, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV chiều 20/6 đã chính thức thông qua toàn bộ nội dung của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi).

Tại báo cáo giải trình và tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết cho thấy, nhiều ý kiến tán thành với việc bổ sung Điều 217a (Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp) vì hoạt động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho những người tham gia nên cần phải xử lý hình sự các trường hợp kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký hoặc không đúng nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Có ý kiến đề nghị không bổ sung Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp vì BLHS năm 2015 đã bỏ Tội kinh doanh trái phép tại Điều 159 của BLHS năm 1999. Về vấn đề này, UBTVQH nhận thấy, như đã giải trình tại Báo cáo số 117/BC-UBTVQH14 thì thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ lợi dụng kinh doanh đa cấp vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản cho hàng chục nghìn người, gây bức xúc trong xã hội.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống loại hành vi này về mặt hình sự, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo Luật đã quy định xử lý hình sự trường hợp kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung của giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nếu thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

quoc-hoi-da-cap-nguoinoitieng

Về ý kiến đề nghị không bổ sung tội danh này vì BLHS năm 2015 đã bỏ Tội kinh doanh trái phép, UBTVQH cho rằng, tội kinh doanh trái phép của BLHS năm 1999 đã được cụ thể hóa bằng các điều luật cụ thể như Điều 227, 232, 234.... Do đó, UBTVQH xin đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này của dự thảo Luật.

Một số ý kiến cho rằng, quy định này dẫn đến khả năng dễ bị lạm dụng để xử lý các trường hợp lợi dụng kinh doanh đa cấp lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì hình phạt của tội danh này thấp hơn rất nhiều so với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 của BLHS năm 2015) và đề nghị bỏ quy định gây thiệt hại về tài sản. Ý kiến khác đề nghị tăng mức hình phạt cho tương xứng với tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. UBTVQH nhận thấy, Điều 217a chỉ xử lý hình sự các trường hợp kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép và đã quy định loại trừ Điều 174 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), Điều 290 (Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản).

Theo đó, trường hợp người nào lợi dụng việc kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì không xử lý về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp mà sẽ xử lý hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), nếu có yếu tố sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì sẽ xử lý hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290). Quy định này là rõ ràng, minh bạch.

Đồng thời, do tội danh này chỉ điều chỉnh đối với hành vi vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp nên hình phạt đến 5 năm tù là tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội (Tội kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159 của BLHS năm 1999 chỉ quy định hình phạt cao nhất là 02 năm tù).

Theo ttvn.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Quốc hội bổ sung tội kinh doanh đa cấp trái phép vào Bộ luật Hình sự

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn