top-banner-2

Thứ tư, 29/01/2014, 11:03 GMT+7

Người giong buồm trên sông Sài Gòn

Tám năm trước, nhìn chiếc thuyền gỗ du lịch của công ty TNHH thuyền buồm Đông Dương (Indochina Junk Co. Ltd) đầu tiên xuất hiện, kéo căng buồm đón gió trên bến Bạch Đằng, nhiều nhà kinh doanh xì xầm: chắc tay chủ này hoang tưởng.

Lúc đó, “mặt tiền” sông Sài Gòn đã có năm đơn vị kinh doanh tàu nhà hàng thâm niên.
Bây giờ, nhìn đội thuyền buồm mười chiếc, đêm đêm lên đèn, xuôi ngược trước bến Bạch Đằng đưa hơn 300 khách đi lại ăn uống, hóng gió sông, người trong nghề du lịch lại bảo nhau: chủ nhân chắc phải là một tay có cái gốc vững mới “chơi bạo” vậy...

Duyên khởi chiều mưa

Năm 1980, cậu thanh niên An Sơn Lâm tròn 18 tuổi rời làng quê Hưng Yên lên đường sang Đức học ngành nghề cơ khí chính xác ở nhà máy sản xuất máy dệt Textilma, thành phố Gera. Trong đầu, hẳn không ngờ rằng, một ngày nào đó mình lạc vào Sài Gòn làm du lịch.

Tám năm học nghề và ở lại làm việc ở Đức theo chế độ hợp tác lao động, ngoài số vốn giắt túi dành dụm được, cộng kinh nghiệm trong nghề cơ khí được đào tạo bài bản, thì cái vốn lớn nhất là tiếng Đức. Và tiếng Đức tạo ra bước ngoặt sự nghiệp của ông về sau.

alt

Ông An Sơn Lâm

Nhưng, thử thách lớn nhất khi mới về nước là không tìm được việc làm trên quê nhà. Không cách nào khác, anh thợ cơ khí lại trở về làm nông. Vụ mùa năm được năm mất, làng quê tù túng, năm 1995, chàng thanh niên trẻ quyết định khăn gói vào Nam tìm cơ hội làm ăn.

“Vì có chút vốn, nên khi vào Sài Gòn, tôi mua được nhà. Nhưng, lúc bấy giờ, sợ nhất là thất nghiệp. Tôi chỉ biết đi lang thang, mua báo hàng ngày ngồi đọc mục tuyển dụng lao động, lòng dạ hoang mang “không biết sẽ theo công việc gì để kiếm sống", ông An Sơn Lâm nhớ lại – Rồi một buổi chiều năm 1996, khi đang trú mưa dưới một mái hiên, tôi tình cờ làm quen, nói chuyện với một ông khách du lịch người Đức.

Chúng tôi tìm được vài điểm chung cho một câu chuyện dông dài. Cuối cùng, thấy tôi nói được tiếng Đức khá, lại đang thất nghiệp, ông khách đưa ra một gợi ý bất ngờ: “Sao cậu không thử nộp đơn đi làm hướng dẫn viên du lịch?”

Cuộc gặp với vị khách lạ dưới mái hiên, trong một cơn mưa chóng vánh bên đường phố Sài Gòn hối hả như một thứ “duyên khởi” cho sự nghiệp của một người nhập cư.

“Tôi đọc báo thấy một công ty du lịch tuyển hướng dẫn viên tiếng Đức, tìm đến nộp hồ sơ. Sau đó, quyết chí bỏ ba năm đi học một khoá nghiệp vụ du lịch của trường Nghiệp vụ du lịch Sài Gòn (khoá 36, 1996 – 1998) để có thể thâm nhập cái nghề đầy mới mẻ này. Ra trường, mọi thứ thuận lợi vì hướng dẫn tiếng Đức thời bấy giờ còn rất hiếm, vả lại tự thân tôi càng làm càng thấy yêu nghề này. Tôi nhanh chóng được công ty giao cho những đoàn khách lớn, ra Bắc vào Nam liên tục”, ông Lâm kể.

Từ trận mạc mà lên

Chiếc Honda CR-V màu đen dừng trước bãi xe Vườn Kiểng, bến Bạch Đằng. Người đàn ông cao ráo, vận đồ thun, quần jeans, giày mọi có vẻ bụi bặm xăm xăm bước xuống chào, bắt tay, chuyện trò, hỏi han từ mấy ông bảo vệ, mấy bà lao công, mấy cô bán bán hàng dạo cho đến các cán bộ cảng vụ đường thuỷ. Nhìn vẻ hoà nhã không kiểu cách, ít ai biết đó là ông giám đốc của Indochina Junk, chủ doanh nghiệp tàu nhà hàng du lịch đang ăn nên làm ra bậc nhất trên sông Sài Gòn.

“Kể ra, tôi vẫn là người gặp thời. Năm 2005, thị trường du lịch phát triển mạnh, khách quốc tế chú ý đến Việt Nam. Các nhà lữ hành có nhu cầu tìm kiếm sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu du khách, đặc biệt khách Âu, Mỹ. Tôi dẫn khách đi tour, có dịp dò hỏi, nắm bắt tâm lý, biết nhu cầu khách hàng, biết thị trường đang thiếu gì. Tôi xác định ngay xu hướng du lịch văn hoá và sinh thái là hai mảng đầy tiềm năng. Tôi nghĩ ngay tới khu dự trữ sinh quyển Vàm Sát (Cần Giờ).

Còn một vế nữa, về văn hoá, tôi thăm dò thì biết khách quan tâm tới những nét Sài Gòn xưa, thậm chí, một phần giá trị Sài Gòn là ở di sản thời thuộc địa. Vậy là tìm ra lời giải.

Chiếc thuyền buồm đầu tiên tôi thuê đóng ở Vinh đưa vào mang hơi hướm hoài cổ, gợi nhớ quang cảnh những bến thuyền Hòn ngọc Viễn Đông thời Pháp, nhân viên trên tàu mặc đồng phục kiểu công chức thời Pháp thuộc, tạo ra hình ảnh khác biệt ngay từ đầu. Ngoài lên chương trình tour Sài Gòn – Vàm Sát, tôi chào hàng sản phẩm “ăn tối trên tàu Indochina Junk” và được các công ty lữ hành hưởng ứng ngay”, ông Lâm nhớ lại.

Nhưng thực tế không hề đơn giản. Ngay chuyến đầu tiên đưa khách đi khảo sát, đã bắt đầu thấy trở ngại. Cột buồm cao không thể đi qua được những cây cầu có độ tĩnh không thấp. Vậy là phải xoay chuyển chiến thuật: tổ chức ghe trung chuyển khách, hạ cột buồm và dựng một cột buồm cách điệu bằng đèn điện.

alt
Đội thuyền buồm Đông Dương đêm đêm đưa chừng 300 khách đi lại, ăn uống, hóng gió sông Sài Gòn.

Và cứ thế, túc tắc làm ăn. Sắm thuyền nhỏ đưa khách đi tour, thuyền lớn là nhà hàng. Thuyền đẻ ra thuyền. Nhìn quanh những “ông anh” kinh doanh tàu nhà hàng trên bến Bạch Đằng, chưa thấy đơn vị nào có sự mở rộng quy mô đội thuyền nhanh như Đông Dương. Giới làm tour guide ở các công ty lữ hành nói với nhau: “Cứ vài hôm lại thấy ông Lâm thả thêm một con tàu mới. Vậy mà đặt ghế cho khách ăn tối ngắm sông Sài Gòn ở công ty của ông cứ phải sớm sớm, trễ là hết chỗ, chờ chuyến tăng cường”.

Mười chiếc thuyền buồm: ba chiếc lớn cỡ 84 – 200 chỗ, bảy chiếc cỡ 30 – 50 chỗ, ngoài ra còn có một đội ghe nhỏ chở khách tham quan kênh rạch nội đô mỗi giờ 30 USD phục vụ khách lẻ khá linh động, hiệu quả.

Có mặt trên một con tàu nhà hàng, khách càng ngạc nhiên hơn: ngoài menu nhiều món ẩm thực Việt truyền thống, còn có cả một show thưởng thức âm nhạc dân tộc. Thay vì rộn ràng tưng bừng nhảy nhót ồn ào, thì chủ thuyền buồm Đông Dương lại mời được cả những đội ca múa nhạc dân tộc bài bản, có cả những nhóm nhạc công ngày dạy ở Nhạc viện TP.HCM, tối lên tàu chơi như một cách giới thiệu văn hoá bản địa.

“Làm du lịch là làm đại sứ văn hoá ngay trên chính quê hương mình. Tôi ý thức điều đó nhờ quá trình làm hướng dẫn viên”. Ông Lâm cho biết thêm, đến bây giờ vẫn vậy, ngoài việc quản lý, thi thoảng ông vẫn nhận lời làm hướng dẫn viên tiếng Đức cho những đoàn khách lớn. “Thu nhập từ nghề hướng dẫn không bao nhiêu so với quản lý trong kinh doanh, nhưng mà vui, nó cho mình hứng thú “trận mạc”, hiểu hơn về khách hàng”.

Buồm chờ gió sông

Trên mũi thuyền, Việt, một hướng dẫn viên tiếng Đức của Saigontourist băn khoăn vì cả ngày nay gặp hai vị khách người Áo quá khó tính, đi đâu, ăn gì cũng chê. Ông chủ thuyền Đông Dương nói: “Để mình lo cho”, rồi bước xuống bàn, làm quen, trò chuyện với hai vị khách một lúc, sau đó, ông kéo cả hai vị khách lên mũi thuyền nhấm rượu, hóng gió. Ông khách ban nãy khó tính chợt buông một câu nghe mát lòng mát dạ: “Sông Sài Gòn thoáng đãng và còn vẻ tự nhiên. Trông đẹp hơn cả dòng sông ở thành phố Vienna quê hương tôi”.

Tàu nhà hàng Đông Dương từ bến Bạch Đằng đi ngược lên gần cầu Thủ Thiêm rồi đi xuôi về phía cảng Sài Gòn.

Bên này là quận 1, khung cảnh lung linh tráng lệ với tầng tầng cao ốc lên đèn, bên kia là bờ Thủ Thiêm vừa giải toả trắng, cây cỏ lau sậy um tùm. Ông Lâm bộc bạch: “Tiềm năng tài nguyên du lịch sông Sài Gòn còn rất lớn. Nhưng dấu ấn quy hoạch đầu tư chưa xứng tầm. Bản thân tôi muốn phát triển thêm đội tàu mà tình hình không bến bãi đậu đỗ đàng hoàng, cũng đâu dám. Tính từ khi vào cuộc chơi du thuyền đến nay là tám năm, tôi phải bỏ ra hơn 2 tỉ đồng tự đầu tư đặt hai cầu phao để khách lên xuống an toàn. Thành phố phát động chiến lược phát triển du lịch đường sông thì điều đầu tiên là phải có quy hoạch cảng du lịch với hệ thống bến đỗ bài bản. Trong trường hợp Nhà nước không đầu tư được thì nên kêu gọi đầu tư xã hội hoá, đừng để hoang phí tài nguyên”.

Con tàu Indochina Junk đưa khách lướt sóng xuôi về quận 4, ngược lên cầu Thủ Thiêm rồi đáp về cảng Bạch Đằng trong tiếng nhạc êm dịu và gió sông Sài Gòn se lạnh. Đoàn khách thoả mãn rời tàu sau buổi tiệc tối đầy dư vị. Ít ai biết, sau đó, ông chủ thuyền còn nán lại, đi nhặt từng que tăm, từng mảnh giấy ăn rơi dưới chân bàn, nhắc nhở bác tài công sơn phết lại mảng sơn bị bong tróc trên mui thuyền, xuống hầm máy cùng thợ bảo dưỡng kiểm tra xem vì sao hôm nay có lúc tiếng động cơ không được êm, rồi ghé liên hệ bãi giữ xe đêm cho nhân viên, nhạc công...

Nắm trong tay gần trăm nhân viên chính thức và bán thời gian, nhưng triết lý quản trị nhân sự của ông Lâm thật đơn giản: “Muốn quân làm việc thì đừng làm họ sợ mình, mà phải cùng làm với họ, hướng họ đến trách nhiệm chung. Anh thấy đó, nhân viên trên tàu toàn gọi tôi là chú”.

Cậu con trai đầu đã có vợ, lo làm ăn, 17 năm sau mới kiếm được thêm cậu bé thứ hai. Một ngày của ông Lâm bắt đầu bằng việc cho con ăn, đưa đón con đi học, chở vợ đi chợ rồi về cùng vợ quản lý việc kinh doanh của công ty đặt ở ngay tại nhà riêng trên đường Bạch Đằng, quận Tân Bình theo mô hình một công ty gia đình.

“Không nhậu nhẹt đàn đúm, cứ xong việc, tôi về nhà với vợ con. Bên gia đình, tôi có năng lượng làm nhiều việc hiệu quả”, ông chủ 50 tuổi có đội thuyền buồm chiếm lĩnh diện tích mặt nước lớn nhất tại bến du lịch Bạch Đằng, trên sông Sài Gòn, nói.

Theo SGTT


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Người giong buồm trên sông Sài Gòn

 

hoa-moc-thien-2

bhql

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

kndn