top-banner-2

Thứ tư, 23/08/2017, 15:20 GMT+7

Kết thúc nào cho câu chuyện của 'Tùng Dương và phát ngôn về Bolero?'

Trong một bài phỏng vấn, Tùng Dương đã thể hiện quan điểm của mình về dòng nhạc bolero. Những tranh luận gay gắt về vấn đề này cũng phát sinh từ đây.

Cũng lâu lắm rồi, làng nhạc Việt lại mới có dịp náo nhiệt rôm rả như vậy. Đi đâu cũng nghe người ta nhắc tới Bolero, tới Tùng Dương, tới chức "Giáo sư âm nhạc" của Ngọc Sơn. Chẳng mấy khi giới nghệ sĩ Việt lại mới có cớ mà cùng nhau luận bàn về âm nhạc, nghệ thuật thị hiếu hay vô vàn điều cao siêu ở làng giải trí vốn vô số thị phi này.

Chuyện bắt đầu khi ca sĩ Tùng Dương có trả lời trên một tờ báo điện tử rằng: "Tôi muốn nói rõ một lần nữa là Bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với Bolero thì đúng là một sự thụt lùi". Ngay lập tức, câu trả lời của Tùng Dương được đưa lên thành "tít hot" với giản dị vài dòng: "Tùng Dương: "Già trẻ lớn bé đắm đuối nhạc Bolero đúng là sự thụt lùi".

tung-duong-bolero-nguoinoitieng1

Đây không phải là lần đầu tiên Tùng Dương nói về Bolero. Cách đây vài năm, Tùng Dương cũng từng một lần nói rằng "Bolero kéo lùi cả nền âm nhạc". Tuy nhiên ngày ấy, câu nói của Tùng Dương không trở thành "viral". Lần này, chỉ nhắc lại thôi cũng đủ khiến Tùng Dương "trúng thị".

Hàng trăm, hàng nghìn bình luận chĩa mũi dùi vào Tùng Dương vì cho rằng anh "không có quyền phán xét âm nhạc". Người thì cho rằng Tùng Dương ngạo mạn, ảo tưởng quá nhiều về sức mạnh bản thân, người cay nghiệt hơn gọi anh là kẻ hồ đồ.

"Ông hoàng nhạc Việt" Đàm Vĩnh Hưng cũng không ngần ngại khi cho thêm đám cháy vài mồi lửa bằng phát biểu gay gắt của mình: "Tùng Dương không hát được, sợ miếng cơm lung lay mới nói hát và nghe Bolero là thụt lùi".

Thật tình mà nói, nếu ai không dành thời gian đọc cả bài phỏng vấn của Tùng Dương thì có lẽ rất dễ nổi xung lên như nhiều người đang lên tiếng chỉ trích anh. Quả thật, chỉ cái tiêu đề thôi đã đủ khiến nhiều người ngay lập tức biến thành anh hùng bàn phím, lôi ra đủ thứ ngôn ngữ chối tai dành tặng cho Tùng Dương.

tung-duong-bolero-nguoinoitieng2

Bolero đang ở trong giai đoạn hưng thịnh, người người nghe Bolero, nhà nhà nghe Bolero. Mở tivi thấy Bolero, đi qua nhà hàng xóm thấy chiếc đài cũ kỹ cũng Bolero, xuống chợ thấy cô hàng rau cũng tay đếm tiền, mắt liếc ipad xem Bolero...

Bolero đã thống trị nền âm nhạc Việt Nam từ lúc nào chẳng hay. Người ta tổ chức show nhạc Bolero, người ta mang Bolero lên gameshow. Nghệ sĩ lớn tuổi hát Bolero đã đành, mấy ca sĩ trẻ cũng thi nhau hát Bolero rồi cả những cô bé cậu bé 6-7 tuổi cũng ngân nga mấy bài hát chất chứa toàn tâm sự đời.

Trong suốt cả bài phỏng vấn, Tùng Dương chưa một lần lên tiếng chê bai hay bài xích về Bolero. Có chăng, anh chỉ đang chia sẻ về việc lo ngại thực trạng nhà nhà chạy theo Bolero. Thậm chí các ca sĩ không có chuyên môn sâu về Bolero cũng ùn ùn chuyển sang làm đêm nhạc, Album...

Nếu đọc trọn vẹn bài phỏng vấn của Tùng Dương có thể nhận ra rằng, theo Tùng Dương Bolero là dòng nhạc hoài niệm có giá trị về văn hóa nhưng nếu người già, người trẻ đều chạy theo trào lưu âm nhạc này thì rất nhiều ca sĩ cũng sẽ rẽ sang để hát nhạc Bolero phục vụ thị hiếu người nghe. Và để nuông chiều thị hiếu của khán giả thì có thể các ca sĩ sẽ vô tình tự tay bóp chết sáng tạo của mình và âm nhạc Việt sẽ không thể phát triển mà mãi đám đuối trong các bài hát hoài niệm.

tung-duong-bolero-nguoinoitieng3

Sự thụt lùi mà Tùng Dương nhắc đến đó chính là tư duy âm nhạc bởi có lẽ quá nhiều người đến với Bolero là nghe theo cho hợp thời. Một nền văn hóa phát triển là một nền văn hóa biết giữ gìn cái cũ và sáng tạo cái mới chứ không phải là nền văn hóa "đu" theo các trào lưu hot. Và đáng buồn thay, đó lại chính là thực trạng của nền âm nhạc Việt mà Tùng Dương nói tới.

Tại sao các ca sĩ trẻ hiện nay họ ồ ạt đi hát Bolero? Vì họ yêu âm nhạc Bolero? Vì họ muốn giữ gìn những bản ca cũ xưa?... Chẳng ai biết được rõ, nhưng cũng phải khẳng định một điều chắc chắn là một phần bởi Bolero đang là thị hiếu, mà thị hiếu sẽ kiếm ra tiền!

Bolero là dòng nhạc của hoài niệm, là ký ức buồn và đẹp nhưng chỉ lớp người xưa mới thấy được hết điều đó vì nó thuộc ngữ cảnh xưa, cảm xúc xưa. Khi từng giai điệu Bolero vang lên, họ sẽ sống lại những kí ức xưa không quên.

Còn với lớp trẻ hiện tại, ca sĩ đứng trên sân khấu hát thì chỉ có thể hát sao cho giống những cái tên đã thành biểu tượng như Hương Lan, Như Quỳnh, Phi Nhung... bởi họ đâu thể cảm nhận được vẻ đẹp của Bolero cũng như vô vàn khán giả trẻ hiện tại.

Bất kỳ một thể loại âm nhạc nào cũng có cái hay riêng của nó, Bolero cũng vậy, âm nhạc của Tùng Dương theo đuổi cũng vậy. Nhưng đôi khi nó còn đòi hỏi phải phù hợp với gu thưởng thức của người nghe và đặc biệt phụ thuộc vào trình độ nghe và khả năng cảm thụ của người tiếp nhận.

tung-duong-bolero-nguoinoitieng4

Là nghệ sĩ, xin đừng quá nuông chiều thị hiếu của khán giả. Nhiệm vụ của bạn là nâng cao khả năng cảm thụ của khán giả bằng những sản phẩm mang tính sáng tạo với sự đầu tư một cách nghiêm túc.

Theo afamily.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Kết thúc nào cho câu chuyện của 'Tùng Dương và phát ngôn về Bolero?'

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn