top-banner-2

Thứ sáu, 05/08/2016, 13:00 GMT+7

Game show nhí: trẻ em so tài hay là 'cuộc chơi' của người lớn?

Cái được chưa thấy nhưng hao tâm tổn trí, mất thời gian và công sức, xáo trộn sinh hoạt đã mệt rồi. Càng mệt thêm nếu vướng phải những điều tiếng làm ảnh hưởng gia đình và tổn thương những tâm hồn non dại.

(25-7-2016) Game show nhi (Bai Viet Quy) (3)

          Hồng Minh đăng quang cuộc thi The Voice Kids 2014   

Nhớ lại năm trước, đi đâu cũng nghe giọng hát dân ca của Phương Mỹ Chi, nhiều đến nỗi người thờ ơ nhất về âm nhạc cũng nghe, cũng biết vài câu. Còn các báo mạng thì nhất cử nhất động của ngôi sao nhí này đều được chuyển tải. Từ chuyện đi học trường cũ, trường mới, chữ viết em đẹp đến chuyện gia đình hàng xóm, chuyện Quang Lê nhận đỡ đầu cho em và những lùm xùm rắc rối…

Mua vui cho người lớn

Từ không ít cuộc thi truyền hình, nhiều người vụt trở thành sao, nổi tiếng; có người trụ lại với nghề diễn, có người thành “sao xẹt”. Nhưng với cái thói hay bắt chước của người Việt Nam, không chỉ là đem ra thi thố công khai xem ai bắt chước giỏi hơn như Gương mặt thân quen, các cuộc thi truyền hình “bê” luôn phiên bản người lớn sang với trẻ em, đưa trẻ em lên màn ảnh truyền hình. Đó là các cuộc thi: Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí, Thử tài siêu nhí, Người hùng tí hon... Thậm chí, các chương trình: Thách thức danh hài, Vũ điệu đam mê, Thử thách cùng bước nhảy, Vietnam’s  Got Talent... tuy không dành riêng cho thí sinh nhỏ tuổi nhưng vẫn có không ít trẻ em từ 4-5 tuổi góp mặt.

Dù thí sinh đều là trẻ con, lượng khán giả nhí trong những cuộc thi không ít nhưng khán giả người lớn mới là đông đảo nhất khi đích đến của nhà sản xuất lại nhằm phục vụ cho người lớn để bảo đảm có nguồn doanh thu, lợi nhuận. Giờ phát sóng của các chương trình lại là “giờ vàng”, lúc người lớn đang rảnh rỗi.

Kết thúc những cuộc thi trên truyền hình cho các em, điều ai cũng nhận thấy không đơn thuần là niềm vui của thí sinh đoạt giải, nỗi buồn của thí sinh thua cuộc mà là rất nhiều người lớn được hả hê. Người lớn xen vào những cuộc chơi trẻ con, nhắn tin bình chọn để quyết định người chiến thắng. Người lớn can thiệp quá sâu vào cuộc thi bằng đủ thứ phương tiện, bằng thói kẻ cả cố chấp, đòi hỏi những điều vượt khả năng, sức vóc của các em. Không ít tài năng nhí có gương mặt sáng, giọng hát đẹp bị chọn giùm bài hát già dặn như Võ Thu Hà phải hát Lời ru cho con, Trên đỉnh Phù Vân để rồi mất điểm và mất khán giả một cách đáng tiếc. Còn Quang Anh, một cậu bé 13 tuổi làm sao đủ hiểu biết để nhận thức, càng không thể nói đến trải nghiệm để có thể hát Đá trông chồng của Lê Minh Sơn như mong muốn của ban tổ chức, của người làm chương trình được.

Nỗi buồn, tổn thương cho các em

Phải nói một cách công tâm, tham gia những cuộc thi này là dịp các em thi thố tài năng và thể hiện nhân cách. Qua từng bước của cuộc thi, các em thêm tự tin, tăng tính độc lập trong suy nghĩ và hành xử. Tuy nhiên, do ra trước đông đảo công chúng, áp lực sẽ lớn hơn, đòi hỏi các khâu trong tổ chức phải hết sức kỹ lưỡng, tế nhị để tránh gây hậu quả nghiêm trọng, không dẫn đến những tổn thương tâm lý các em.

Đành rằng là cuộc thi thì có kẻ thắng người thua, xét cho cùng cũng chỉ là cuộc chơi, không thể xem nhẹ nhưng cũng đừng quá nặng nề mà mất đi tính giải trí và để cho khán giả có thể thưởng thức đúng nghĩa nhất với sự hồn nhiên nhất, dễ thương nhất trong sự phô diễn tài năng của các em. Thế nhưng theo format của các chương trình cùng những dẫn dắt, biến hóa của ban tổ chức, của ban giám khảo và với sự cộng hưởng từ khán giả, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực, đem đến cho các em nhiều áp lực nặng nề. Bên cạnh niềm vui được hát được tập với nhau, thân thiết với nhau, có những tình bạn dễ thương, trong trẻo, vẫn còn nhiều nỗi buồn trong cuộc chơi, thậm chí tổn thương các em và gia đình.

Vượt qua từng vòng đấu, được chính các huấn luyện viên giành nhau đưa vào đội, không ít những lời khen kiểu ngoa ngôn được các huấn luyện viên đưa ra dành cho các em. Nhưng rồi cũng chính các huấn luyện viên không chọn các em đi tiếp. Với những trái tim thơ dại, thực tế phũ phàng này gây sốc khá nặng nề, cả gia đình và các em đều phải chịu đựng và vượt qua không dễ dàng gì.

Dễ sốc nhất là việc chọn 2 thí sinh nhí tập luyện, thi đấu cùng nhau rồi chỉ chọn một trong hai. Còn trong vòng loại trực tiếp thì khán giả cũng sốc khi chứng kiến nhiều cảnh đau lòng ngay trên sân khấu. Chẳng hạn bé Quỳnh Anh với bài hát Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ viết về nỗi xa cách Bắc - Nam trong thời đất nước còn chia cắt, thời điểm của ca khúc ra đời đã hơn 50 năm. Em hát rất tốt nhưng vẫn bị loại, bởi đây là cuộc chơi của các em nhưng kết quả ra sao thì phải chấp nhận.

Năm trước, nhật ký của người nhà một thí sinh cũng gây xôn xao dư luận khi lột tả trần trụi những chuyện khuất tất ở hậu trường cuộc thi. Còn tại buổi công bố kết quả bán kết 4 Vietnam’s Got Talent, để tạo kịch tính cho chương trình, MC đã kéo dài thời gian công bố kết quả. Cậu bé 11 tuổi Đăng Khoa run và khóc trong hồi hộp, khi nghe bị loại khỏi vòng chung kết, đã khóc nấc và khuỵ xuống trên sân khấu.

Các bé bị tổn thương còn một phần do người lớn. Trước chung kết Giọng hát Việt nhí 2013, Sở GD-ĐT Thanh Hóa còn gửi cả công văn tới các trường yêu cầu bình chọn cho Quang Anh nhằm “đem thành tích” về tỉnh nhà. Căn bệnh chạy theo thành tích trầm kha trong ngành giáo dục lại lan đến cuộc thi của các em khiến Quang Anh chịu nhiều thị phi và cùng với ngành giáo dục Thanh Hóa nhận không biết bao nhiêu “gạch đá” của dư luận. Không ít ông bố bà mẹ có con trong độ tuổi này và con cũng có nhiều năng khiếu, qua theo dõi các cuộc thi đã nói rằng: Sẽ không để con mình đi thi dù cho ai lôi kéo cách nào đi nữa. Cái được chưa thấy nhưng hao tâm tổn trí, mất thời gian và công sức, xáo trộn sinh hoạt đã mệt rồi, càng mệt thêm nếu vướng phải những điều tiếng làm ảnh hưởng gia đình và tổn thương những tâm hồn non dại.

Sao tài năng cứ mãi Á quân?

Mới đây, ngay sau đêm 17-7 giành giải Thần tượng âm nhạc nhí, cậu bé nghèo Hồ Văn Cường của vùng quê Gò Công không chỉ nhận được nhiều lời chúc mừng của khán giả mà còn bị “ném đá” tơi bời từ anti-fan. Không ít ý kiến cho rằng, chẳng qua Hồ Văn Cường thắng giải nhờ… nghèo, nhờ câu chuyện đi hát đám cưới, gia cảnh khó nghèo nên được nhiều người thương xót, động lòng.

(25-7-2016) Game show nhi (Bai Viet Quy) (1)

Nhiều ý kiến cho rằng, Hồ Văn Cường - Phương Mỹ Chi có chung một "công thức" để nổi tiếng.

Hàm ý từ kết quả nhiều cuộc thi trước, có ý kiến cho rằng: “Sao những bé tài năng cứ mãi Á quân”. Người khác tán thành và nhận định: “Hồ Văn Cường hát hay thiệt nhưng mà để thành quán quân phải nhiều thể loại âm nhạc chứ suốt cuộc thi cứ một màu thì cũng không xứng cho lắm…”.

Lập tức hai giám khảo Issac và Văn Mai Hương bênh vực: “Các con ơi, cô xin lỗi vì người lớn bọn cô xấu xí thế đấy! Bọn cô góp phần tạo ra các con nhưng chính bọn cô cũng đưa các con vào sự nhẫn tâm của xã hội này! Thiên hạ ngoài kia sao thấy được sự hồn nhiên của cả top 4 khi cô hỏi đứa nào cũng nói “con không quan tâm ai quán quân hết”.  Bảo Trân thì “con vui mà”, Jayden ngây thơ “Ủa, là con đứng thứ ba hay thứ tư hả cô?”, Gia Khiêm cười khoái chí khi hát xong không bị lỗi. Thế nên cô hứa, ai đụng đến cô cũng mặc kệ, nhưng đụng đến các con là cô chấp hết”.

 Theo Motthegioi.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Game show nhí: trẻ em so tài hay là 'cuộc chơi' của người lớn?

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn