Ninh Bình - điểm dừng lý tưởng của nhiều bộ phim đình đám |
Trước 'Tấm Cám: Chuyện chưa kể', Ninh Bình từng được nhiều bộ phim lựa chọn cho các cảnh quay đẹp và hoành tráng. Ninh Bình được biết đến là cố đô sơn thủy hữu tình, thiên nhiên hoang sơ, trong những năm gần đây trở thành điểm sáng của du lịch miền Bắc, bên cạnh Sapa và Hạ Long đã nổi danh từ lâu. Ninh Bình có đầy đủ các thắng cảnh từ núi, sông, hang động, di tích lịch sử, đình chùa, khu du lịch sinh thái, các công trình nhân tạo... Bởi thế, không chỉ thu hút khách du lịch mà nhiều đoàn làm phim đã tìm tới đây để làm bối cảnh cho phim, đặc biệt là các phim cần góc máy rộng hay mô phỏng cổ trang. Ninh Bình được mệnh danh là địa chỉ vàng cho các phim cổ trang. Ảnh: Hachi8 Kong: Skull Island Kong: Skull Island là một dự án phim bom tấn của Hollywood, sau khi quay tại Mỹ và Australia, đoàn làm phim đã tiến hành quay tại Việt Nam với 4 địa phương là Quảng Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh và Hải Phòng. Trong đó, Ninh Bình có thời gian quay lâu nhất. Suốt thời gian quay, phim thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông và công chúng. Theo giới chuyên môn, phim sẽ là một trong những nhân tố quan trọng để quảng bá và phát triển du lịch Việt Nam trong những năm tiếp theo. Bộ phim sẽ ra mắt đầu năm 2017, là dự án phim Hollywood lớn nhất được thực hiện ở Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng. 3 địa danh xuất hiện trong bộ phim là khu bảo tồn thiên nhiên đầm Vân Long, Tam Cốc - Bích Động và khu sinh thái Tràng An. Đầm Vân Long thuộc huyện Gia Viễn, rộng 3.500 ha, là nơi tâp trung nhiều đàn cò về kiếm ăn. Tam Cốc - Bích Động thuộc xã Ninh Hải, Hoa Lư, sở hữu hệ thống hang động núi đá vôi và các di tích lịch sử, núi non hùng vĩ, được bao quanh bởi dòng sông Ngô Đồng uốn lượn quanh co. Khu du lịch sinh thái Tràng An nằm trong quần thể di sản thế giới, có hệ thống dãy núi đá vôi, 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động. Trên trang cá nhân, thành viên đoàn làm phim thường xuyên cập nhật hình ảnh khi tác nghiệp ở Ninh Bình cuối tháng 2 - đầu tháng 3 năm nay. Đạo diễn Jordan Vogt Roberts còn thốt lên rằng: "Chẳng bao giờ thấy chán khi đăng những tấm ảnh ở Việt Nam. Khi trở về, tôi rất nhớ nơi này". Đoàn làm phim sử dụng cả máy bay trực thăng cùng 20 tấn thiết bị phục vụ cho quá trình ghi hình Kong: Skull Island ở Việt Nam. Tấm Cám: Chuyện chưa kể Tấm Cám: Chuyện chưa kể hiện là bộ phim đang thu hút sự chú ý nhất của giới truyền thông và công chúng quan tâm đến điện ảnh. Bên cạnh dàn diễn viên đẹp, nội dung có nhiều tranh cãi thì ai tới rạp cũng phải trầm trồ trước những cảnh quay hoành tráng và hoàn toàn thuần Việt. Đoàn làm phim đã chọn Ninh Bình để thực hiện đa số cảnh quay của mình. Cũng giống như nhiều bộ phim trước đây chọn Ninh Bình để quay các cảnh cung đình, vua chúa, phim Tấm Cám chọn địa điểm di tích cố đô Hoa Lư (đền vua Đinh), chùa Bái Đính để quay những cảnh kinh thành hoành tráng thời phong kiến. Ngoài ra, nhiều cảnh quay về sông nước hữu tình, cánh đồng lúa chín vàng được nhiều khán giả nhận ra là ở hang Múa và khu sinh thái Tràng An. Tràng An hiện lên trong phim là một quần thể tổng hòa giữa núi đá vôi hùng vĩ, rừng cây xanh mướt ẩn hiện trong mây mù, xen kẽ giữa những hẻm núi là dòng sông bình lặng. Qua xử lý kỹ xảo hình ảnh, cảnh vật thêm phần ảo diệu, lung linh như chốn tiên cảnh ở nhân gian. Hang Múa nằm dưới chân núi Múa, trong khu du lịch sinh thái thuộc địa phận thôn Khê Đầu Hạ, xã Ninh Xuân, Hoa Lư, Ninh Bình. Từ đỉnh núi Múa, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh đẹp của khu Tam Cốc. Thiên mệnh anh hùng Thiên mệnh anh hùng là bộ phim điện ảnh được sản xuất năm 2012, do đạo diễn Victor Vũ thực hiện, diễn viên chính gồm: Midu, Vân Trang, Kim Hiền, Huỳnh Đông. Xuyên suốt bộ phim là những cảnh quay ở các thắng cảnh nổi tiếng ở tỉnh Ninh Bình, được dựng thành bối cảnh kinh thành, vùng núi non sơn cước. Đây cũng là một trong số những bộ phim đầu tiên "khai phá" ra vẻ đẹp vừa cổ kính vừa hùng vĩ, rất thích hợp cho các bộ phim cổ trang của Ninh Bình. Tất cả các cảnh sắc thiên nhiên đến những công trình kiến trúc cổ độc đáo như cố đô Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Động, khu du lịch Tràng An… đều được tái hiện một cách sinh động, tạo nên những khung hình đẹp mỹ mãn, sinh động, đưa người xem trở về với lịch sử hào hùng của dân tộc. Cũng giống như Tấm Cám, dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng hầu như khán giả nào cũng tâm đắc bởi những cảnh quay đẹp, góc máy rộng, hấp dẫn, làm cho thiên nhiên vùng đất cố đô xưa thêm phần mới mẻ và hoành tráng. Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc (2006) Đây là bộ phim của đạo diễn người Pháp gốc Trung Quốc Đới Tư Kiệt sản xuất năm 2006. Phim được thực hiện toàn bộ ở Việt Nam, trong đó nhiều nhất là Ninh Bình, ngoài ra còn có Sapa và Hà Nội (khu vực Hà Tây cũ). Phim xoay quanh cuộc tình đồng tính của hai cô gái, được đánh giá là một trong những bộ phim về đề tài này mang lại nhiều cảm xúc nhất từ trước đến nay, qua sự diễn xuất của Lý Tiểu Nhiễm (từng nổi tiếng với vai Doãn Tịnh Uyển trong Không kịp nói yêu em năm 2009) và diễn viên người Pháp Mylene Jampanoi. Ở Ninh Bình, đoàn làm phim dựng phim trường ở khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Hình ảnh non nước hữu tình, cảnh núi rừng trùng điệp của Ninh Bình đã góp phần tạo nên chất thơ cho mối tình bi kịch giữa An và Ming. Toàn bộ bộ phim được quay ở Việt Nam nên người xem dễ dàng bắt gặp những góc máy chỉ riêng của vùng đồng bằng Bắc bộ mới có. Người Mỹ trầm lặng Bộ phim của đạo diễn Phillip Noyce không chỉ được quay ở Sài Gòn như khán giả vẫn nghĩ, mà được quay trải dài khắp 3 miền đất nước, từ Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng cho đến Ninh Bình. Bộ phim kể về mối tình tay ba giữa Thomas Flowler, Pyle và Phượng, trong bối cảnh cuộc chiến tranh Đông Dương đang ở giai đoạn cuối. Nam diễn viên Brendan Fraser trong những cảnh quay ở Ninh Bình. Ảnh: Guardian/SMPS Toàn bộ cảnh quay về Tây Ninh được đạo diễn Phillip Noyce thực hiện tại Ninh Bình. Người xem có thể dễ dàng nhìn thấy bóng dáng khu rừng Cúc Phương và những ngọn núi trùng điệp của vùng đất du lịch nổi tiếng này. Phillip Noyce là một người yêu Việt Nam. Trước khi đến đây với Người Mỹ trầm lặng, ông từng sang Việt Nam vào năm 1995 với tư cách là khách du lịch. Sau này, ông cũng nhiều lần trở lại Việt Nam nên khá am hiểu địa hình, nắm được lợi thế của Ninh Bình trong các cảnh quay góc rộng, hay các cảnh đặc tả làng quê Việt Nam. Đạo diễn Phillip Noyce (áo trắng, ngồi) chỉ đạo một cảnh quay ở Ninh Bình. Ảnh: Guardian Theo Ngoisao.net Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|