top-banner-2

Thứ sáu, 20/05/2016, 09:31 GMT+7

SCIC và câu chuyện nới room lên 100% của Vinamilk

Câu chuyện nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% của Vinamilk lại nóng lên trước thềm đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của doanh nghiệp này. Mấu chốt của vấn đề là chờ xem SCIC thoái vốn như thế nào.

Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 vào ngày 21.5 tới. Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2016 của Vinamilk có nêu: “Vấn đề tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ được trình bày, thảo luận tại ĐHĐCĐ”.

Việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% không cần phải đưa ra thảo luận tại ĐHĐCĐ. Theo hướng dẫn của Thông tư 123 (Bộ Tài chính), nếu công ty quyết định tăng room cho nước ngoài lên 100% chỉ cần HĐQT ra nghị quyết.

Vậy tại sao Vinamilk chưa có lộ trình cụ thể và HĐQT lại phải đưa câu chuyện này ra thảo luận tại ĐHĐCĐ?

scic va cau chuyen noi room len 100% cua vinamilk hinh anh 1

Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, có vẻ các thành viên HĐQT công ty vẫn chưa đi đến đồng thuận cuối cùng về phương án nới room tốt nhất.

Như vậy, có thể hiểu rằng các thành viên HĐQT của Vinamilk vẫn chưa thống nhất quyết định nới room lên 100% hay không mà sẽ chờ đến sau ĐHCĐ. Điều này khiến một số người đặt ra nghi ngờ liệu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) có tạo điều kiện để Vinamilk có thể nới room lên 100%?

Có lẽ Vinamilk muốn nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% hơn là 65%. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ SCIC sẽ thoái vốn ra bao nhiêu. Nếu quyết định nới room lên 100% mà SCIC chỉ thoái vốn ra với tỷ lệ nhỏ thì không có ý nghĩa gì.

Ngoài ra, để được nới room lên 100%, Vinamilk còn phải được sự chấp thuận của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Do vậy, thị trường lo ngại lộ trình mở room 100% của Vinamilk có nhiều nan giải và nghi ngờ khả năng mở hoàn toàn.

Tại sao SCIC lại chần chừ trong việc thoái vốn khỏi Vinamilk, thị trường rất hiểu. Vinamilk là một doanh nghiệp tốt, là “gà đẻ trứng vàng”. SCIC mỗi năm đều hưởng lợi rất lớn từ việc nhận cổ tức của từ doanh nghiệp này.

Năm 2015, Vinamilk xin ý kiến cổ đông về phương án phân phối lợi nhuận 2015 với tỷ lệ cổ tức là 60% bằng tiền mặt. Nếu được thông qua, Vinamilk sẽ chi ra hơn 6.400 tỷ đồng để trả cổ tức, tương đương hơn 82% tổng lợi nhuận sau thuế năm 2015. Với tỷ lệ sở hữu 45,08% ở Vinamilk, cổ đông lớn nhất SCIC sẽ được hưởng cổ tức hơn 3.200 tỷ đồng.

Năm 2016, Vinamilk dự kiến tiếp tục chi trả cổ tức với tỷ lệ tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế. Cổ tức năm 2016 sẽ được tạm ứng đợt 1 vào tháng 8 - 9.2016 với tỷ lệ 40% và chi trả đợt 2 vào tháng 5 - 6.2017.

Rõ ràng, SCIC đang phải đau đầu suy nghĩ. Nếu thoái hết vốn ra khỏi Vinamilk, họ sẽ phải đầu tư gì trong khi bản thân Vinamilk là doanh nghiệp đang làm ăn rất tốt. SCIC hiện đang là cổ đông lớn của Vinamilk, hưởng cổ tức hàng năm. Nếu thoái vốn khỏi Vinamilk, SCIC phải đầu tư gì trong khi doanh nghiệp chẳng có mấy, chỉ loanh quanh mấy hạng mục lớn, chủ yếu đầu tư vào hạ tầng…

Bởi vậy, SCIC chắc chắn sẽ phải cân nhắc có thông qua việc mở room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% hay không.

Hiện nay thị trường đã kỳ vọng vào việc nới room lên 100%, nhưng việc nhà đầu tư chờ đợi nhất là SCIC sẽ thoái ra bao nhiêu và giá trị thoái vốn là bao nhiêu. Có lẽ SCIC sẽ thoái vốn với tỷ lệ lớn, sẵn sàng đẩy lên tới 100%, nhưng sẽ xây dựng lộ trình thoái 5%, 10%, cứ dần dần như thế.

Những thông tin về việc Vinamilk quyết định trả cổ tức 60% hay hoãn ĐHĐCĐ từ tháng 4 sang tháng 5 có thể là nhằm mục đích thuyết phục SCIC trong việc nới room. Có lẽ việc Vinamilk đưa thêm phương án nới room nhà đầu tư nước ngoài lên 65% bên cạnh phương án 100% là cách để thuyết phục SCIC, vừa để SCIC thoái vốn từ từ, vừa sẽ chiều lòng được các bên.

Theo Danviet.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

SCIC và câu chuyện nới room lên 100% của Vinamilk

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn