Doanh thu 'khủng' từ xổ số |
Thông tin người thứ tư trúng độc đắc (Jackpot) xổ số điện toán 56 tỉ đồng vào ngày 20-11 khiến nhiều người quan tâm đến thu chi của loại hình xổ số. Cuối tháng 8-2016, Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) công bố doanh thu bán vé đạt 40 tỉ đồng chỉ sau 1 tháng phát hành loại hình xổ số Mega 6/45 tại TP HCM. Chín tháng đầu năm 2016, doanh thu của 21 công ty xổ số kiến thiết (XSKT) phía Nam cũng lên đến 50.635 tỉ đồng. Vietlott bán 2 triệu vé/ngày Do sức mua ngày càng tăng, sau TP HCM, thị trường vé số điện toán đã được mở rộng đến Cần Thơ và An Giang. Đến cuối tháng 9-2016, Vietlott công bố doanh thu đạt 159 tỉ đồng (tương đương 15,9 triệu vé 10.000 đồng). Ngay sau đó, vé số điện toán xuất hiện tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và cách đây vài ngày, xâm nhập thêm thị trường Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đà Nẵng. Xổ số điện toán thu hút nhiều người chơi Sau khi người đầu tiên trúng Jackpot 92 tỉ đồng, mạng lưới bán vé số điện toán vọt lên 1.500 quầy, các đại lý vé số truyền thống, người bán dạo bắt đầu vào cuộc, đưa vé số điện toán đến tận vùng sâu, vùng xa khiến doanh thu tăng chóng mặt. Theo ông Nguyễn Thanh Đạm, Phó Tổng giám đốc Vietlott, qua 4 tháng phát hành, Vietlott đã và chuẩn bị trả thưởng Jackpot tổng cộng 284 tỉ đồng. Số tiền trả thưởng cho giải nhất, nhì… và doanh thu bán vé, Vietlott sẽ công bố theo định kỳ. “Riêng kỳ quay số ngày 20-11, Vietlott phát hành hơn 4 triệu vé trong 2 ngày, tương đương hơn 40 tỉ đồng” - ông Đạm cho biết. Doanh thu Vietlott đạt khoảng 579 tỉ đồng Căn cứ vào phương án sử dụng doanh thu, giới kinh doanh có thể ước tính doanh thu bán vé của Vietlott từ ngày phát hành (18-7) cho đến nay. Theo đó, trong hơn 2 tháng đầu phát hành, Vietlott đạt doanh thu 159 tỉ đồng. Do đó, doanh thu còn lại sẽ được suy ra từ số tiền cộng dồn vào Jackpot trong tháng 10 và 11. Thống kê 22 kỳ quay số mở thưởng từ ngày 2-10 đến 20-11 cho thấy số tiền cộng dồn cho giải Jackpot hơn 168 tỉ đồng. Với quy định 55% doanh thu bán vé dùng để trả thưởng và nếu chưa có vé trúng sẽ được cộng dồn vào Jackpot, tính ra doanh thu bán vé trong khoảng thời gian này là 372 tỉ đồng, cộng với 48 tỉ đồng của 4 kỳ có vé trúng thưởng (mỗi kỳ Vietlott thu hồi từ doanh thu bán vé 12 tỉ đồng để bảo đảm giá trị tối thiểu cho giải Jackpot). Như vậy, từ ngày phát hành đến nay, doanh thu bán vé của Vietlott là doanh thu bán vé 2 tháng đầu 159 tỉ đồng + 372 tỉ đồng + 48 tỉ đồng = 579 tỉ đồng rồi trích ra 55%, suy ra số tiền Vietlott trả thưởng các giải hơn 318 tỉ đồng. Sau khi trả thưởng, Vietlott thu về khoảng 261 tỉ đồng. Với số tiền này Vietlott nộp thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt 20,9%, chi trả hoa hồng cho các đại lý 8%; phần còn lại sau khi trừ chi phí, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, trích lập các quỹ theo luật định, toàn bộ lợi nhuận còn lại nộp vào ngân sách 9 tỉnh, thành mà Vietlott đang kinh doanh xổ số điện toán. Vé số truyền thống thu hàng trăm tỉ đồng/ngày Theo báo cáo của Hội đồng XSKT khu vực Miền Nam, trong 21 thành viên, mỗi ngày có 3 công ty phát hành 21-24 triệu vé, tương đương 240 tỉ đồng. Riêng ngày thứ bảy hằng tuần, doanh thu lên tới 300 tỉ đồng (30 triệu vé) do Công ty XSKT TP HCM phát hành 2 kỳ/tuần. Số liệu của Hội đồng XSKT khu vực Miền Nam cũng cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2016, các công ty XSKT đã phát hành gần 634 triệu vé và bán được 80%, trả thưởng với số tiền chiếm hơn 48% doanh thu bán vé, tương đương 24.533 tỉ đồng, riêng Công ty XSKT TP HCM trả thưởng hơn 2.700 tỉ đồng. Nhiều chủ đại lý vé số truyền thống lẫn vé số điện toán cho biết ngoài tỉ lệ trả thưởng, các công ty XSKT chi trả hoa hồng cho đại lý 15%, chi 2% cho hoạt động của công ty, tỉ lệ nộp thuế, ngân sách, trích lập các quỹ… cũng như Vietlott. Tuy nhiên, không ít người chơi xổ số thắc mắc trong số 20% vé số truyền thống không bán được, có thể có vé trúng độc đắc và nhiều giải thưởng sẽ xử lý thế nào? “Các công ty XSKT sẽ thu hồi số vé không bán được để tiêu hủy. Nếu trong số này có vé trúng thưởng thì số tiền trúng thưởng được nộp vào ngân sách” - ông Phạm Cư, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng, giải thích. Mới đây, tại hội nghị triển khai xổ số điện toán tổ chức ở TP Cần Thơ, nhiều đại biểu cho rằng hoạt động XSKT đã mang lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách. Theo lãnh đạo các tỉnh An Giang, Bình Dương…, mỗi năm XSKT đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 1.000 tỉ đồng. Khi vé số điện toán bán tràn lan ở phía Nam, các công ty XSKT khu vực này đồng loạt phản ứng và cho rằng loại hình vé số mới làm giảm doanh thu vé số truyền thống, ảnh hưởng đến ngân sách địa phương. Trong khi đó, Vietlott công bố toàn bộ nguồn thu từ hoạt động kinh doanh xổ số điện toán đều được để lại địa phương, phù hợp với thông lệ của thế giới là lợi nhuận từ xổ số được đầu tư trở lại cho người dân. Theo kế hoạch, tháng 12-2016, Vietlott tiếp tục triển khai kinh doanh tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, sau đó mở rộng ra cả nước. Theo nld.com.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|