top-banner-2

Thứ hai, 02/11/2015, 23:59 GMT+7

Doanh nhân nên học gì từ giới tội phạm?

Không nói đến các vấn đề đạo đức của các hoạt động ngoài vòng pháp luật, một số doanh nghiệp cho rằng các băng đảng tội phạm có tổ chức, các nhóm tin tặc, cướp biển v.v... có thể dạy cho các tập đoàn hợp pháp ít nhiều về cách thức phải thay đổi và thích nghi với những sự thay đổi.

Vụ vượt ngục táo bạo của một trùm ma tuý khét tiếng tại Mexico hồi tháng Bảy vừa qua ban đầu dường như không đáng để cho giới doanh nhân phải bận tâm.

Thế nhưng một số người lại có ý kiến ngược lại.

Tất nhiên không phải là họ khuyến khích hành động phạm tội. Thay vào đó, họ cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp có thể học từ thế giới ngầm sự linh hoạt, sáng tạo và khả năng lèo lái nhanh chóng.

Doanh nhân nên học gì từ giới tội phạm?

Khả năng biến hóa linh hoạt

Các tổ chức tội phạm có được sự nhanh nhạy mà các tập đoàn chính danh (có quy mô lớn và nhiều lớp quản lý) không có, Marc Goodman, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Tội phạm Tương lai và cố vấn về tin tặc trên toàn cầu, nói.

Trong lúc các công ty thường tập trung vào các quy tắc mà họ phải tuân thủ, thì tội phạm lại tìm cách để né tránh chúng. “Những kẻ tội phạm không phải đối mặt với những giới hạn và điều đó tạo cơ hội để họ nghĩ tới những điều to tát hơn nhiều.”

Joaquin Guzman, kẻ cầm đầu băng đảng ma tuý Sinaloa là một ví dụ.

Ông này đã vượt ngục bằng một cái lỗ nhỏ trong phòng tắm nối với một đường hầm dài, nơi được gắn thiết bị chiếu sáng và lỗ thông hơi. Vụ đào thoát đòi hỏi phải có sự sáng tạo, được lên kế hoạch dài hạn và sự kiên nhẫn - những kỹ năng cần thiết để thành công trong kinh doanh.

Dù Devin Liddell, người đứng đầu mảng chiến lược thương hiệu cho một hãng tư vấn thiết kế đóng tại Seattle, Teague, lên án các hành động bạo lực và bất hợp pháp, nhưng ông cũng khá tò mò trước khả năng tồn tại của các băng đảng tội phạm.

Một số băng đảng buôn ma tuý vẫn hoạt động bất chấp các nỗ lực của giới hành pháp ở hai bên biên giới Hoa Kỳ cũng như việc các cơ quan quốc tế đổ ra nhiều triệu đô la phòng chống.

Khả năng thích nghi để tồn tại

Liddell thực sự tin rằng có một bài học về sự tồn tại ở đây.

Một chiến lược mà ông chỉ ra là cách những kẻ xấu rất biết cách thích nghi với thay đổi.

Nhằm vượt qua biên giới giữa Mexico và Hoa Kỳ, băng đảng Sinaloa đã xây dựng một hệ thống đường hầm rộng lớn, đưa cả các thành viên trong băng đảng vào làm nhân viên biên giới, thậm chí sử dụng cả máy phóng để vượt qua hàng rào công nghệ cao.

Ngược lại, nhiều doanh nghiệp hợp pháp lại thất bại vì họ ngần ngại thích nghi với thay đổi trên thị trường.

Một trong những ví dụ là công ty cho thuê phim và game Blockbuster; hãng này đã không thay đổi theo kịp thị trường và mất khách trước công nghệ cho thuê và tải video khác. Đến nay thương hiệu Blockbuster chỉ còn là một cái tên mờ nhạt.

Liddell cho rằng sự khác biệt giữa hai nhóm là các băng đảng tội phạm thì thường phải ứng biến mỗi ngày, trong khi các công ty lại xem sự sáng tạo là một quy trình.

“Đây là một thách thức ở cấp lãnh đạo,” Liddell nói. “Một công ty sáng tạo và tổ chức tốt hay không chính là sự phản ánh về chất lượng của dàn lãnh đạo công ty.”

Các công ty mới thành lập với số vốn hạn hẹp ban đầu cũng sử dụng những chiến thuật không chính thống để giải quyết các vấn đề và tạo dựng công ty đi lên từ tay trắng.

Tính sáng tạo

Sự sáng tạo ở đây thường là do vấn đề hoàn cảnh, ví dụ như ngân sách hạn hẹp.

Cả giới tội phạm và những công ty mới đều ‘thách thức chính quyền, hoạt động ngoài hệ thống và tìm kiếm những cách mới và thông minh để làm mọi thứ’, ông Goodman nói. “Họ hoặc là trở thành Elon Musk hoặc là El Chapo.”

Một số doanh nghiệp cũng không ngại hoạt động trong những vùng luật pháp chưa quy định rõ ràng nhằm gây rối thị trường.

Dịch vụ nghe nhạc Napster là một ví dụ. Dịch vụ này đã phá vỡ luật bản quyền với dịch vụ chia sẻ tập tin. Nhưng công nghệ của họ đã mở đường cho những sáng tạo hợp pháp. Goodman và những người khác tin rằng việc tập trung suy nghĩ về giải pháp trước khi lo lắng về các hạn chế sẽ giúp các công ty tránh trở thành nạn nhân của các đối thủ ít bị bó buộc bởi các chuẩn mực hơn.

Trong cuốn The Misfit Economy, Alexa Clay và Kyra Maya Phillips đã thảo luận về cách các cá nhân có thể áp dụng lối suy nghĩ này để trở nên sáng tạo hơn trong tập đoàn. Họ không chỉ nghiên cứu các nhóm tội phạm bạo lực như cướp biển Somali, mà còn những người phá vỡ các quy tắc nhằm tìm những giải pháp sáng tạo trong kinh doanh, ví dụ như những người sống trong các khu ổ chuột ở Mumbai hay tin tặc.

Họ chỉ ra năm đặc điểm của nhóm này: Khả năng xoay xở, lèo lái, khiêu khích, đột nhập và sao chép.

Clay dẫn một doanh nhân người Ả Rập Saudi tên là Walid Abdul-Wahab ra làm ví dụ. Abdul-Wahab từng làm việc với các nông dân để mang sữa lạc đà đến với người tiêu dùng Mỹ ngay cả trước khi các cơ quan hữu trách của Hoa Kỳ chuẩn thuận sản phẩm này. Nhờ sự kiên trì, ông này đã tìm ra một mạng lưới các nông dân sản xuất sữa lạc đà và bắt đầu bán sản phẩm này qua mạng xã hội. Giờ đây, công ty của ông, Desert Farms, bán sữa cho các nhà bán lẻ lớn trên thế giới như Whole Food Market.

Nhiều người không có những công việc ở công sở thông thường và điều đó khiến họ phải suy nghĩ một cách sáng tạo về cách kiếm tiền, Clay nói.

Họ phải tạo dựng được sự gan góc, bền bỉ để tồn tại. “Trong nhiều trường hợp, sự thiếu thốn là cha đẻ của sự sáng tạo,” Clay nói..

Theo ttvn.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Doanh nhân nên học gì từ giới tội phạm?

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn